Mấy cuộc rong chơi

Gia Lai – Kon Tum – Đắk Lắk là chuyến chuyến rong chơi lạ nhất, không chỉ làm sáng đôi mắt đôi tai, rộng mở tâm hồn mà còn soi tỏ, khai phá những ngóc ngách tâm hồn mình mà tôi chưa từng biết đến hoặc vô tình giấu nhẹm đi.

Trời xanh, bến vắng, đường dài

Gia Lai đón tôi bằng bầu trời xanh, mây trắng và nắng rát sau những ngày mưa, do ảnh hưởng của bão. Đặt chân xuống sân bay Pleiku, tôi thở phào rồi hít no một lồng ngực gió như một cách nạp năng lượng cho những ngày háo hức sẽ qua. Tôi mê mẩn những con đường tít tắp chạy giữa những vườn hồ tiêu, cà phê, có khúc tưởng như dựng 90 độ làm cho tay lái có phần rụt rè, còn người ngồi sau thì đê mê, hết nhắm rồi lại mở mắt hưởng thụ. Cứ đi đi, không cần biết chân trời.

Biển Hồ không hổ danh là đôi mắt của Pleiku xanh và sâu đến mức chỉ lỡ liếc vài giây thôi cũng sảy chân đắm đuối. Chúng tôi tiến gần hơn đến Hồ, chạm vào và ngồi lại rất lâu. Bạn hát: “Ta đón em trên bến vắng/Chiều hoàng hôn tắt nắng chợt gió dâng sương phủ trắng đầy trời…” Tôi ngửi thấy mùi gió lướt trên mặt hồ, thấy nắng đổ xuống lòng mình những vệt loang mà những cành cây chết khô từ bao giờ không đủ che bóng. Tôi hình dung mình đang ngồi trên chiếc thuyền con, nhỏ bé và bình tâm giữa mênh mông trời đất.

Suốt chuyến đi, chúng tôi có nhiều lúc ngồi im như thế, đuổi theo những nỗi niềm riêng hoặc không nghĩ gì.

Như trước những thác nước tuyệt đẹp mà dòng Serepok chảy ngược dành tặng. Sau những thảng thốt, kinh ngạc mỗi người lại chọn một góc, ngắm dòng thác đổ. Tôi chọn ngả người xuống chiếc ghế vắng thả lỏng, tai vểnh lên nghe âm vang của đại ngàn, mơ màng trôi ngược về buổi hồng hoang thuở nào.

3 lần bỏ cuộc – 3 lần đặt cược

Đó là một cuộc rong chơi mà tôi thấm thía cái suy nghĩ hạnh phúc nằm trên hành trình chứ không phải đích đến. Chẳng vì thế mà dám đã đặt cược mạng mình mấy chuyến.

Lần 1: Chân trần

Chưa từng được biết cái tên Thác 9 tầng khó đi như thế nào, nhưng xăng đã đầy bình. Google Map định vị quãng đường phải đi hơn 30km nhưng “thứ công nghệ” ấy không biết nói câu: “đường khó đi lắm, nguy hiểm đấy”, chưa kể nó hoàn toàn vô dụng ở chốn “rừng thiêng nước độc” này. Chúng tôi loay hoay giữa bốn bề là cà phê, hoa dã quỳ, cỏ dại… nhìn đâu cũng giống nhau, những con đường đất ngang dọc, những vũng nước, ổ gà gập ghềnh.

Cuối cùng vũng nước ngập bùn nọ đã giáng chúng tôi một đòn, giày bẩn nhơm nhớp không xỏ nổi, chiếc điện thoại của tôi uống no nước, xe thì chết máy. Xung quanh không có bóng người. Chúng tôi cầu cứu nhau phải làm sao bây giờ và quyết định bỏ cuộc, dắt xe quay lại. Mà chắc gì đã quay lại được, có biết đường đâu. Giữa lúc hoang mang, tiếng nổ máy của xe làm chúng tôi bừng tỉnh.

– Đi tiếp không?

Không chần chừ, tôi đáp:

– Đi

– Tôi biết bạn cũng không cam tâm giống tôi mà!

Chúng tôi đi chân đất, hăm hở tiếp tục cuộc đua dưới cái nắng cao nguyên. Tôi lên xuống xe, lội nước dò bùn để bạn dắt xe qua. Không hiểu 2 đứa con gái lấy sức lực đâu ra mà khỏe thế, quyết tâm đâu mà liều, mà hiếu chiến đến thế.

Lần 2: “ – Cầm tay tôi đi”

Nghe thấy tiếng thác đổ ào ào rồi mà chưa nhìn rõ mặt, chúng tôi quyết định bỏ cuộc lần 2 khi lội đến giữa dòng suối xiết. Chúng tôi cố gắng nhìn theo mấy cậu nhóc người dân tộc đi trước để bấu víu, đá trơn trượt, dòng suối chảy mạnh chực làm tôi sảy chân mấy lần, tập trung và dò dẫm từng bước… đến giữa dòng chúng tôi bảo nhau quay lại thôi, không đi được nữa rồi. Những bước chân quay lại cũng chẳng dễ gì, chân mình bật máu vì lội đoạn suối nhỏ trước đó, tay xước xát vì mấy lần bám bừa vào cây dứa dại.

Bạn gọi:

– Cầm tay tôi đi!

– Thôi, để tao tự đi

– Nắm đi!

Giọng cương quyết, thêm chút khẩn thiết của bạn khiến tôi ngoan ngoãn nghe lời. Tôi biết cái nắm tay ấy không chỉ để dìu dắt mà còn nương vào nhau để vượt qua. Sau hôm ấy ngồi lại, tôi và bạn đều rơm rớm nói về cái nắm tay: “bạn không cầm tay tôi vì sợ liên lụy đến tôi đúng không?”

Lần 3: Trấn an

Ngoái lại nhìn dòng suối, có chút tiếc nuối và sợ. Chúng tôi quay lại tìm xe ở rẫy cà phê thì nhìn thấy một đường mòn nhỏ trên núi, phía có tiếng thác dội ào ào. Và kìa, mấy cậu nhóc lúc nãy đã quay lại và đang đi về hướng đó.

Bạn gọi to:

– Đường đó dẫn tới thác đúng không? Chờ chị với?

Không chờ lời rủ rê, chúng tôi chân trần leo núi, lúc này mấy vết xước làm tôi nhức hơn và nỗi hoài nghi dấy lên trong lòng. Hai đứa con gái và mấy thằng con trai đang lớn giữa cái chốn khỉ ho cò gáy… chúng nó còn nói ngôn ngữ riêng? Không nói ra, nhưng người bạn đồng hành hiểu suy nghĩ của tôi, nó cũng có chung lo lắng. Tôi cảm nhận bạn đã cố gắng giao tiếp với tụi nhỏ, khi thân thiện, khi lớn giọng ra vẻ người lớn… Còn tôi chỉ bước theo lặng lẽ vì đã thấm mệt!

Khi đến được thác rồi, chúng tôi mới hiểu những lo lắng vừa rồi là không cần thiết nhưng dễ hiểu sau những căng thẳng phải trải qua trước.

Ngồi ở tảng đá nhìn lên dòng thác, chúng tôi cười với nhau:

– Trời, nếu phải chết vì ngọn thác này thì tôi thấy không đáng cho lắm.

– Nhưng đã!

Vẫy tay chào cảm ơn mấy cậu trai, chúng tôi lò dò đi xuống để tìm đường về lại thành phố. Mệt và đói, điện thoại tôi đến lúc đó mới hỏng.

Chặng đường về cũng chẳng dễ dàng gì…

“Ăn vạ”

– Có phải đường lúc đi đây không? Rẽ trái chứ? Ơ, chỗ này lạ lắm? Tìm người để hỏi đi?

Hoang mang, chúng tôi loay hoay tìm đường ra, mà càng đi càng xa, cứ đi rồi vòng lại… Đã quá 12h trưa. Thấy bóng người trong rẫy cà phê, một người đàn ông dân tộc nói tiếng Kinh chưa tròn, chỉ về hướng có dòng suối chắn ngang, ở đó có mấy thanh gỗ gác lên nhau làm chiếc cầu tạm để đi qua. Tôi hỏi đi hỏi lại, chú có nhầm không, vì xe không thể lội suối, mà “chiếc cầu” kia thì làm sao mà qua được.

Bất lực trong việc giao tiếp, chúng tôi dắt xe quay lại thì gặp người đàn ông khác đang đi xe máy tới, nghe giọng Bắc chúng tôi mừng rơn. Chúng tôi nói như cầu cứu, chú bảo cứ chạy xe quay lại, chú giúp xe vượt suối.

Tôi lập cập bước từng bước sang bờ bên kia đứng trân trân nhìn chú sắp xếp lại từng thanh gỗ, rồi chạy xe mình qua trước. Chiếc xe gắn máy được độ lại để “chinh chiến” với địa hình nơi đây trông thật ngầu.

Cùng lúc đó hai người đàn ông khác cũng chạy xe tới, họ giúp từng chiếc xe qua. Người nắn thanh gỗ, người căn bánh, nhấc xe… lúc ấy tôi cảm động nghĩ nếu sau này mình có nhiều tiền, mình sẽ xây cầu giúp bà con ở đây. Điều đó có vẻ xa vời nhưng nó là thứ duy nhất tôi nghĩ được lúc ấy. Chạy theo xe của họ, chúng tôi ra được đường lớn. Phải nhanh thôi, xe sắp hết xăng rồi.

Người bán xăng nhìn hai đứa con gái đi chân đất, quần áo lấm lem ái ngại, mắng: “sao mà liều, có biết chỗ đấy như nào không mà dám đi?” Nhưng nhìn mắt họ, tôi thấy sự cảm thông và xót thương gì đó. Như là hối lỗi, tôi cười cảm ơn, đáp: “cháu chừa rồi”!

Về được homestay ở Pleiku đã quá 2h chiều, nhìn thấy chú Hùng chủ nhà, tôi “ăn vạ” kể cho chú chuyện đi tìm thác 9 tầng. Chú bảo, chú dân ở đây, đi được nửa đường phải bỏ về mà hai đứa to gan thế, thôi đi tắm rồi nghỉ ngơi chú không lấy thêm tiền phòng đâu mà lo. Tôi than điện thoại bị hỏng, chú bảo, để chú gọi người đến mang đi sửa làm tôi bất ngờ và cảm động lần nữa. Cứ thế hai chú cháu ngồi nói chuyện ngoài hiên rất lâu, chú kể nhiều về gia đình, những đứa con và cách nuôi dạy chúng. Tôi cảm nhận được nguồn cơn của tình thương của chú dành cho những vị khách như chúng tôi. Lúc chuẩn bị ra bến xe về Kon Tum, chú còn hái chanh leo cho chúng tôi mang theo.

Thật may mắn, vì đi đâu cũng được bao bọc bởi đồng bào mình.

Thành thật với cảm xúc của mình

Có lẽ đây là điều đáng giá nhất trong chuyến đi mà tôi nghĩ mình sẽ dốc lòng kể. Nhưng lúc này, không có động lực viết nữa. Tôi vẫn nhớ buổi sáng bên cốc cà phê với bạn, chúng tôi đã nói bí mật gì, trong chùa tôi nghe rõ tiếng lòng ra sao, giữa dòng suối xiết tôi tiếc điều gì, ở Măng Đen tôi viết gì, … Lý trí thắng rồi, lá thư vẫn nằm im trong cuốn sách!

Gửi bình luận